Khá nhiều người trong chúng ta mắc "bệnh" này đấy bạn ạ.
Vô cảm với gia đình
Có một cuộc sống vật chất đủ đầy nhưng bố mẹ ít quan tâm, Linh (17t) sống vật vờ như một cái bóng trong gia đình. Ban ngày đi học, buổi tối bó hẹp trong bốn bức tường, Linh ít khi nói chuyện, chia sẻ với bố mẹ. Bạn sống thờ ơ và bất cần, không quan tâm tới bất kì chuyện gì trong gia đình. Bố mẹ cãi vã nhau hay mẹ khóc, Linh cũng kệ. Mẹ ốm thì chỉ có người giúp việc chăm sóc, Linh không một lời hỏi han, không một sự quan tâm chăm sóc. Linh giam mình trong bốn bức tường mà không để ý đến cuộc sống xung quanh mình. Bố mẹ có hỏi chuyện trường lớp, cô bạn cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện, trả lời nhát gừng, vì chiều con, bố mẹ Linh cũng chẳng gặng hỏi thêm gì, cứ để mọi chuyện tiếp diễn như thế.
Hay như Minh (19t) là sinh viên năm thứ 2, đi học xa nhà, dù nhà cách trường chỉ một tiếng đi xe bus nhưng cô bạn chẳng mấy khi về nhà, theo như Minh thì cuộc sống ở quê rất… buồn tẻ. Số lần gọi điện hỏi thăm cha mẹ cũng đếm trên đầu ngón tay và thường thì chỉ khi ví đã cạn, Minh mới gọi điện về. Cô bạn không biết nhiều về tình trạng của cả nhà, bố mẹ sức khỏe thế nào, em trai học hành ra sao. Những ngày đặc biệt như ngày của Mẹ, 20/10, 8/3, cô nàng cũng chẳng bao giờ gọi một cú điện thoại để chúc mừng mẹ. Trong khi bố mẹ Minh thì luôn mong mỏi con gái sống tình cảm và quan tâm hơn đến gia đình, Minh cứ dửng dưng như người xa lạ, chẳng có chút cảm xúc nào.
Sống vô cảm với gia đình, không quan tâm, không lo lắng, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình đã trở thành một thói quen không tốt của rất nhiều teen hiện giờ. Teen sống trong cái vỏ bọc của một gia đình sung túc, giàu có và quên đi những giá trị truyền thống, sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên trong một gia đình với nhau, để rồi không còn biết cách sống tình cảm với chính những người thân trong gia đình mình.
Vô cảm với bạn bè
Lan và My đều đi học xa nhà và ở chung nhà với nhau. Lan ốm, cả ngày không ăn, không uống, vậy mà My vẫn thờ ơ đi chơi cùng bạn trai đến tối mịt mới về. Đã thế, khi về nhà, thấy nhà cửa lạnh tanh, cơm nước chưa nấu, cô bạn còn tỏ ra khó chịu và quát mắng bạn: “Sao nhà cửa bẩn thỉu thế này?”. Lan mệt mỏi còn chẳng nói được nên lời. Cô bạn tâm sự: “Lúc bạn ốm, mình cũng quan tâm chăm sóc, nhưng khi mình ốm, bạn ấy mặc kệ, mình phải tự mua thuốc, mua đồ ăn, bạn ấy cũng chẳng thèm hỏi thăm lấy một câu”. Ở được vài tháng, vì không chịu được cái tính “vô cảm” của My, Lan đã phải chuyển nhà đến nơi khác.
Sống vô cảm với bạn bè, không quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn, dửng dưng trước những nỗi đau của bạn ngày càng phổ biến trong đại bộ phận teen. Ngay cả trong lớp học, các bạn cũng ít khi biết về hoàn cảnh gia đình của nhau để cảm thông chia sẻ cho nhau. “Gia đình nhà mình khá khó khăn, có thể đóng đầy đủ các khoản tiền ở trường là đã quá sức với cha mẹ mình rồi, vậy mà còn tiền quỹ lớp, quỹ đi chơi, quỹ này quỹ nọ… Chẳng có tiền mà đóng nên mình ít tham gia các hoạt động của lớp, vì thế mà các bạn cho mình là đứa ích kỉ, sống xa rời tập thể, nhưng có ai biết đâu…” - tâm sự của Huyền (17t). Teen hãy học cách chia sẻ cảm thông cho nhau, đôi khi chẳng đi đâu xa, ngay với những người bạn ở cạnh mình là đủ rồi mà.
Vô cảm với xã hội
Dửng dưng, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau, hoạn nạn của người khác là biểu hiện thường thấy của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Khi nhìn thấy một vụ tai nạn xảy ra trên đường, mọi người thường chỉ biết đứng chỉ trỏ mà không hề có một biểu hiện lo lắng, xót thương hay đứng ra giúp đỡ người bị nạn. Đi xe bus, nhìn thấy những người cao tuổi, nhiều teen không hề có ý định nhường ghế. Nhìn thấy người già qua đường, mang vác nặng, teen cũng mặc kệ với suy nghĩ “lo cho mình trước đã”...
Không chỉ là biểu hiện vô cảm ở bên ngoài xã hội mà nó còn len lỏi ở sâu bên trong trường lớp, đó là sự vô cảm đối với nhau. Một nhóm bạn đánh nhau, các bạn chỉ biết xúm lại xem vì sự hiếu kì mà không hề có ý thức can ngăn hay tìm cách giải quyết, đã thế các bạn lại còn hô hào, cổ vũ và xem đó như là một thú vui tiêu khiển của mình. Thái độ và hành vi vô cảm đó xuất phát từ việc chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt của mình mà không quan tâm đến những người xung quanh.
Bạn à, tình cảm của con người với con người không thể đánh đổi bằng những vật chất tầm thường, mà chỉ có sự chân thành quan tâm mới có thể duy trì một mối quan hệ bền vững. Trao đi thật nhiều yêu thương, quan tâm và sẻ chia, bạn sẽ không phải thấy hối hận đâu, vì bạn cũng sẽ nhận được ngay sự trìu mến, ân cần của những người khác mà. Hãy “tiêu diệt” căn bệnh vô cảm một cách triệt để, hãy trao yêu thương và nhận thật nhiều yêu thương, bạn nhé!